fbpx

Chống nắng cho bé: Tất cả những điều bố mẹ cần biết

Chống nắng cho bé: Tất cả những điều bố mẹ cần biết

Một lần bị cháy nắng khi còn nhỏ có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ mắc phải ung thư da về sau, vì vậy bảo vệ làn da non nớt của trẻ trước tác hại từ bức xạ cực tím là điều cực kỳ cần thiết và quan trọng. Nhưng có phải chỉ cần che chắn cẩn thận cho bé là đủ? Tất cả những điều bố mẹ cần biết về chống nắng cho bé sẽ có trong bài viết dưới đây, cùng Badger tìm hiểu nhé. 

Ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời lên làn da trẻ nhỏ

Tất cả những lần tiếp xúc với ánh nắng mặt trời đều gây ra một số tổn thương nhất định cho da¹ – đặc biệt là trẻ nhỏ, vì làn da của bé mỏng manh và nhạy cảm hơn nhiều so với người lớn.

Cháy nắng là một trong những tình trạng dễ gặp nhất khi tiếp xúc trực tiếp với tia UV quá nhiều, gây ửng đỏ, bong tróc da và tạo cảm giác đau rát. Trong trường hợp nặng, cháy nắng ở trẻ nhỏ có khả năng gây sốt, mất nước, phồng rộp và ớn lạnh, cần tiến hành cấp cứu y tế. 

Bên cạnh đó, theo Học viện Da liễu Hoa Kỳ: chỉ cần 5 vết cháy nắng trở lên trong độ tuổi 15 – 20 sẽ làm tăng nguy cơ mắc khối u ác tính lên 80%, nguy cơ ung thư da không phải khối u ác tính lên 68%. Có thể thấy, việc bị cháy nắng ở thời thơ ấu hoặc thanh thiếu niên có thể làm tăng gấp đôi nguy cơ gặp phải ung thư da sau này.² 

Ánh nắng mặt trời và trẻ nhỏ
Da của trẻ nhỏ dễ bị tổn thương hơn trước ánh mặt trời

Tầm quan trọng của việc dùng kem chống nắng cho bé

Tỷ lệ người trẻ tuổi mắc khối u ác tính ở da ngày càng tăng.³ Việc bảo vệ làn da của trẻ tránh tiếp xúc quá nhiều với bức xạ cực tím có thể làm giảm đáng kể nguy cơ này. Vì vậy, chống nắng và kem chống nắng rất quan trọng đối với trẻ nhỏ cũng như thanh thiếu niên – nhưng không phải bố mẹ nào cũng biết điều này. 

Phần lớn phụ huynh lo ngại con sẽ không hấp thụ được lượng vitamin D cần thiết. Đúng là ánh nắng mặt trời có tác dụng kích thích cơ thể sản sinh vitamin D, ngăn ngừa bệnh còi xương ở trẻ. Tuy nhiên, các nghiên cứu lâm sàng chưa bao giờ phát hiện việc sử dụng kem chống nắng hàng ngày có thể dẫn đến thiếu hụt vitamin D.4

Do đó, kem chống nắng vẫn là một biện pháp cần dùng để bảo vệ làn da của trẻ trước tác hại từ bức xạ UV. Nhưng có phải trẻ ở độ tuổi nào cũng dùng được kem chống nắng?

Trẻ nhỏ nên dùng kem chống nắng từ khi nào?

6 tháng là độ tuổi bố mẹ có thể bắt đầu sử dụng kem chống nắng cho trẻ – theo khuyến nghị của Học viện Da liễu Hoa Kỳ và FDA. Lý do vì làn da của trẻ sơ sinh rất mỏng, chưa phát triển hoàn thiện, chưa có khả năng chuyển hóa và bài tiết một số chất trong kem. Trẻ có thể gặp phải các tác dụng phụ của kem chống nắng, dễ thấy nhất là phát ban – nếu dùng kem trước độ tuổi khuyến nghị.

Cách chống nắng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tháng tuổi là ở trong bóng râm, mặc quần áo chống nắng thoáng khí và che chắn cẩn thận. Khi đủ 6 tháng tuổi trở lên, lúc này con đã cứng cáp hơn, bố mẹ có thể bắt đầu dùng kem chống nắng cho bé.

Trẻ nhỏ dùng kem chống nắng từ khi nào?
Trẻ từ 6 tháng có thể bắt đầu dùng kem chống nắng

Kem chống nắng cho bé cần có tiêu chí gì?

Khi chọn kem chống nắng cho bé, có 5 tiêu chí mà bố mẹ cần nhớ, bắt đầu từ tiêu chí đầu tiên là: 

Là kem chống nắng thuần vật lý

Nhiều tổ chức, bao gồm Học viện Da Liễu Hoa Kỳ và FDA đều khuyến nghị sử dụng kem chống nắng vật lý cho trẻ từ 6 tháng tuổi, vì thành phần và cơ chế hoạt động an toàn của nó. 

Thành phần hoạt động chính (active ingredients) của kem chống nắng vật lý là Zinc Oxide và Titan Dioxide. Đây là hai khoáng chất được FDA công nhận an toàn, hiệu quả. Khi sử dụng, chúng tạo thành một hàng rào bảo vệ, phản chiếu và ngăn tia UV xuyên qua da. Do chỉ nằm trên bề mặt, không thấm qua da, không đi vào máu nên không gây nhiều mối lo ngại về sức khỏe. Để chọn đúng loại chống nắng vật lý cho bé, bố mẹ có thể tìm chữ Mineral Sunscreen trên bao bì sản phẩm.

Khoáng chất Zinc Oxide hiện đã có nhiều cải tiến, tạo ra thế hệ khoáng chất mới gọi là Clear Zinc – được sử dụng trong toàn bộ kem chống nắng của Badger. Clear Zinc có kết cấu lớn và bề mặt xốp tương tự miếng bọt biển, không phản chiếu nhiều ánh sáng nhìn thấy như Zinc Oxide truyền thống. Điều này giúp giảm vệt trắng trên da mà vẫn đảm bảo khả năng chống nắng hiệu quả.

Kem chống nắng thuần vật lý SPF 40 Baby - Badger
Kem chống nắng thuần vật lý SPF 40 Baby – Badger

Bảng thành phần an toàn, lành tính, không gây dị ứng

Oxybenzone, Avobenzone, Homosalate, hay hóa chất chống nắng nói chung là những thành phần bố mẹ cần tránh khi chọn kem chống nắng cho bé. Vì theo các nghiên cứu được công bố bởi FDA, một loạt hóa chất Oxybenzone, Octinoxate, Octisalate, Octocrylene, Homosalate và Avobenzone đều được cơ thể hấp thụ ngay, chỉ sau một lần sử dụng. Thậm chí, sau vài tuần kể từ lần cuối dùng kem chống nắng có chứa các chất trên, FDA vẫn tìm thấy chúng tồn tại trong da và máu.

Khi đã vào cơ thể, những hóa chất này có thể làm thay đổi cấu trúc ADN, sản sinh gốc tự do và tăng khả năng hình thành tế bào ung thư. Nhưng có phải chỉ cần tránh những kem chống nắng chứa các thành phần trên là sẽ an toàn cho bé? Thật đáng tiếc, toàn bộ hóa chất chống nắng đều mang lại nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Cuối cùng, khoáng chất Zinc Oxide và các thành phần không hoạt động (inactive ingredients) gồm: tinh dầu, dầu thực vật và vitamin E (nguyên liệu bảo quản tự nhiên) sẽ là một bảng thành phần kem chống nắng an toàn cho cả bé và gia đình. Nền dầu (oil-based) giúp kem dễ tán trên da, đồng thời giúp dưỡng ẩm và làm dịu da bé. Bên cạnh đó, bố mẹ cũng tránh chọn kem chống nắng có chất bảo quản (preservative) và hương liệu (fragrance), vì có thể gây mùi khó chịu hoặc kích ứng da bé.

Chỉ số Sun Protect Factor (SPF) nằm trong mức khuyến nghị

Có phải SPF càng cao sẽ bảo vệ da càng tốt trước ánh mặt trời? Có một hiểu lầm về SPF mà rất nhiều bố mẹ mắc phải khi chọn kem chống nắng cho bé, và kể cả cho bản thân là luôn ưu tiên những con số rất cao, như 70 hoặc 100. Tuy nhiên đây là điều hoàn toàn không nên thực hiện.

SPF là chỉ số cho biết tia UVB sẽ mất bao lâu để làm da đỏ lên khi thoa kem chống nắng đúng cách – so với khoảng thời gian không bôi. Nếu sau 5 phút, da bắt đầu đỏ thì thoa kem chống nắng có SPF 30 theo đúng hướng dẫn sẽ bảo vệ da khỏi cháy nắng trong khoảng 150 phút. Nhưng điều này KHÔNG đồng nghĩa với việc SPF 80 sẽ bảo vệ da tới tận 400 phút (hơn 6 tiếng). 

Khi thoa đúng cách, kem chống nắng có SPF 30 chặn được 97% tia UVB, SPF 50 chặn 98%, và SPF 100 chặn 99%. Có thể thấy SPF 30 và 100 có số SPF chênh nhau gấp 3 lần, nhưng % chặn UVB lại chỉ lệch có 2. Điều này chứng tỏ khả năng bảo vệ của SPF cao tăng không tăng đáng kể so với SPF thấp. 

Rất khó để đạt được số SPF cao nếu chỉ sử dụng những khoáng chất an toàn như Zinc Oxide hay Titan Dioxide. Thay vào đó, người ta phải kết hợp nhiều hóa chất chống nắng với nhau để đạt được số SPF mong muốn. Những hóa chất này có thể thấm qua da, đi vào máu, gây nhiều mối lo ngại cho sức khỏe. Điều này còn đặc biệt đáng lo ngại nếu đối tượng sử dụng là mẹ bầu, mẹ bỉm và trẻ nhỏ.

Vì vậy, bố mẹ nên sử dụng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 – 50  cho bé (như Badger SPF 40 Baby), kết hợp với thoa đúng cách và che chắn cẩn thận để bảo vệ con trước tia UV một cách tốt nhất.

>> Tham khảo thêm: Đọc hiểu ý nghĩa các chỉ số kem chống nắng quan trọng

Bảo vệ da đồng thời khỏi bức xạ UVA và UVB

Chỉ có 5% lượng UV chiếu xuống trái đất là UVB, 95% còn lại là UVA – loại bức xạ gây lão hóa sớm, nám da, sạm da và góp phần hình thành khối u ác tính. Mặc dù ảnh hưởng của tia UVA không rõ rệt như UVB, nhưng nó lại gây tổn thương một cách từ từ.

Bên cạnh đó, tia UVA còn có thể xuyên qua kính để tác động lên da. Vì vậy, khi chọn kem chống nắng cho bé, bố mẹ cần lưu ý khả năng bảo vệ khỏi cả tia UVA và UVB – tức bảo vệ phổ rộng (broad spectrum). Để được dán nhãn phổ rộng, kem chống nắng phải đạt được tỷ lệ chặn UVA ít nhất bằng ⅓ so với UVB. 

Nhằm bảo vệ da an toàn trước tác động của ánh nắng mặt trời, FDA cũng như Học viện Da liễu Hoa kỳ khuyến nghị trẻ nhỏ và cả gia đình đều nên sử dụng kem chống nắng phổ rộng. 

Khả năng bảo vệ của kem chống nắng phổ rộng
Khả năng bảo vệ của kem chống nắng phổ rộng

Có khả năng kháng nước

Trẻ nhỏ ít khi nào ngồi yên một chỗ, phần lớn thời gian trong ngày của bé là chạy nhảy và vui chơi. Nhiều bố mẹ còn khuyến khích con tham gia các hoạt động thể thao ngoài trời như bơi lội, bóng rổ để phát triển thể chất. Vì vậy, việc sử dụng kem chống nắng khi bé tham gia những hoạt động ngoài trời là rất quan trọng.

Tuy nhiên, một số loại kem chống nắng gần như bị trôi ngay lập tức khi trẻ bắt đầu ra mồ hôi hoặc vừa xuống nước. Điều này đồng nghĩa với việc làn da của bé sẽ không còn được bảo vệ trước tia UV. Do đó, bố mẹ cần chọn cho bé loại kem chống nắng có khả năng kháng nước, nhận biết bằng chữ “Water Resistant” trên bao bì sản phẩm. 

Water resistant là thông tin cho biết kem chống nắng sẽ lưu lại trên da ướt trong bao lâu, hay nói cách khác là có khả năng kháng nước trong một khoảng thời gian nhất định – thường là 40 hoặc 80 phút. Đây là khoảng thời gian đủ lâu để bé thoải mái tham gia vào các hoạt động đổ mồ hôi, có tiếp xúc với nước mà không lo trôi kem.

Bố mẹ có thể dựa vào hoạt động của bé để chọn loại kem chống nắng có water resistant phù hợp. Sau khoảng thời gian kháng nước được khuyến nghị, nếu trẻ tiếp tục tham gia các hoạt động vui chơi ngoài trời, bố mẹ cần thoa lại kem chống nắng cho bé. 

Kem chống nắng cho bé cần có khả năng kháng nước
Kem chống nắng cho bé cần có khả năng kháng nước

Hướng dẫn thoa kem chống nắng cho bé đúng cách

Để kem chống nắng phát huy hiệu quả bảo vệ da tốt nhất trước tia UV, bố mẹ cần thoa cho bé một lượng vừa đủ và thoa đúng cách. Nhưng như thế nào là vừa đủ? 

Theo các chuyên gia, lượng kem chống nắng lý tưởng là 2 miligam trên mỗi cm vuông da (2mg/cm2) – mức chuẩn được sử dụng để đo chỉ số SPF trong các phòng thí nghiệm. 

Con số này sẽ tương đương khoảng 30g kem chống nắng cho toàn bộ cơ thể người trưởng thành. Với trẻ nhỏ, lượng cần dùng sẽ ít hơn so với người lớn, bằng khoảng ¼ – ⅓. Tuy nhiên, với lượng chống nắng như trên nếu áp dụng vào thực tế thường quá nhiều và ít thực hiện được. Vì vậy, một cách để kiểm tra lượng chống nắng vừa đủ là 15 – 30 phút sau khi thoa, da của trẻ không bị đọng dầu hoặc quá trắng

Khi thoa kem chống nắng cho bé, bố mẹ hãy lấy một lượng nhỏ lên đầu ngón tay hoặc mu bàn tay, chấm kem thành từng điểm nhỏ trên vùng da cần bôi. Sau đó, vỗ nhẹ và tán kem theo chuyển động tròn để kem thấm đều trên da. Nếu thấy kem chưa phủ hết hoặc muốn thoa thêm lớp dày hơn, bố mẹ có thể lấy thêm kem và tiến hành thao tác lại như trên.

Bố mẹ cần lưu ý những gì khi sử dụng kem chống nắng cho trẻ?

  • Dùng thử sản phẩm mới, đặc biệt với những sản phẩm thoa lên cơ thể là điều nên làm. Bố mẹ có thể bôi một lượng nhỏ kem chống nắng lên mặt trong bắp tay của trẻ và theo dõi phản ứng trong 48 giờ. Nếu vùng được thoa không xảy ra hiện tượng gì, có thể yên tâm sử dụng sản phẩm đó lâu dài. 
  • Luôn thoa kem chống nắng cho bé trước khi ra ngoài ít nhất 15 phút để kem ổn định trên da, nhằm phát huy hiệu quả bảo vệ tốt nhất.
  • Thoa lại sau mỗi 2 giờ, sau khoảng thời gian có tiếp xúc với nước được khuyến nghị (40 hoặc 80 phút) hoặc sau khi lau khô người bé bằng khăn.
  • Không nên thoa kem chống nắng quá dày, sẽ gây bí da khiến trẻ khó chịu.
  • Thoa kem ở cả vùng tay, chân, sau gáy và tai, những vùng da ít được che chắn bởi quần áo. Lưu ý tránh để kem chống nắng dính vào mắt bé.
  • Không dùng chống nắng dạng xịt vì bé có thể hít phải gây ho, nặng hơn là kích ứng phổi.
  • Chỉ nên chọn kem chống nắng vật lý cho bé (có nhãn Mineral Sunscreen) để đảm bảo an toàn cho sức khỏe. 
Thoa kem chống nắng cho bé
Chú ý thoa kem chống nắng cho bé ở những vùng da ít được che chắn

Một số biện pháp bổ sung giúp bảo vệ da bé trước tia UV

Có một lưu ý mà bố mẹ cần nhớ: kem chống nắng không bảo vệ da khỏi 100% bức xạ cực tím. Nếu muốn đưa bé ra ngoài vào ban ngày, bố mẹ cần chuẩn bị thêm một số biện pháp bổ sung như:

  • Cho trẻ mặc quần áo dài tay có chỉ số chống nắng UPF (Ultraviolet Protection Factor) từ 30 trở lên, đội thêm mũ rộng vành, mang vớ, bao tay và đeo kính râm đầy đủ. 
  • Hạn chế đưa trẻ ra ngoài trong khung giờ nắng gắt (10 giờ – 16 giờ). Nếu bắt buộc, luôn ưu tiên để trẻ trong bóng râm hoặc chỗ có mái che bất cứ khi nào có thể. 

Các câu hỏi thường gặp về chống nắng cho bé

Tại sao kem chống nắng vật lý lại an toàn hơn cho trẻ?

Như đã nói ở trên, kem chống nắng vật lý chỉ sử dụng khoáng chất Zinc Oxide và Titan Dioxide được FDA công nhận an toàn, hiệu quả. Bên cạnh đó, các khoáng chất này có cơ chế hoạt động phản xạ ánh sáng, không hấp thụ qua da, không đi vào máu nên không gây nhiều mối lo ngại cho sức khỏe người dùng.

Có nên dùng kem chống nắng cho trẻ sơ sinh?

Tốt nhất không nên sử dụng kem chống nắng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi. Vì theo khuyến cáo từ Học viện Da liễu Hoa Kỳ và FDA, ở độ tuổi này, các cơ quan của trẻ chưa phát triển hoàn thiện, sẽ khó đào thải và có thể gặp phải các tác dụng phụ của kem chống nắng, chẳng hạn như phát ban.

Dùng kem chống nắng người lớn cho bé được không?

Có thể dùng kem chống nắng của người lớn cho bé nếu đó là dạng vật lý, có các thành phần an toàn cho sức khỏe. Tuy nhiên, để chắc chắn nhất, bố mẹ cần tham khảo ý kiến từ bác sĩ nhi về loại kem chống nắng có ý định sử dụng cho bé. 

Làm sạch da bé như thế nào sau khi dùng kem chống nắng?

Với kem chống nắng vật lý, vì các chất chỉ nằm trên bề mặt da, không thấm sâu vào lỗ chân lông nên việc làm sạch khá dễ dàng. Bố mẹ có thể dùng một chiếc khăn mềm, thấm nước ấm và lau nhẹ nhàng lên người bé. Hoặc kỹ hơn, bố mẹ có thể dùng một loại xà phòng dịu nhẹ để làm sạch lớp kem chống nắng. Chú ý massage nhẹ nhàng và vệ sinh ở cả vùng mặt, cổ, sau tai và gáy. 

Bé chỉ ở trong nhà có cần dùng kem chống nắng?

Có thể không cần thoa kem chống nắng cho bé khi ở nhà, nếu có các biện pháp bảo vệ trẻ tránh tiếp xúc trực tiếp với tia UV như ở trong phòng có rèm che, không ngồi gần cửa kính hoặc dán kính bằng tấm chống UV.

Bé bị viêm da cơ địa có nên dùng kem chống nắng?

Trẻ bị viêm da cơ địa có thể dùng kem chống nắng, ưu tiên loại thuần vật lý. Tuy nhiên, bố mẹ cần tham khảo ý kiến từ bác sĩ nhi trước khi quyết định sử dụng cho bé. 

>> Tham khảo thêm: Các câu hỏi về kem chống nắng & kem chống nắng Badger

Đừng quên ghé thăm chuyên mục Kem chống nắng của Badger để đọc thêm nhiều thông tin về chống nắng cho bé và gia đình bố mẹ nhé. 


Nguồn tham khảo:

(1): How much sun exposure is “too much sun”? – International Agency for Research on Cancer

(2): Skin cancer – AAD

(3): Increasing Incidence of Melanoma Among Young Adults: An Epidemiological Study in Olmsted County, Minnesota – PMC 

(4): Sun Protection and Vitamin D – The Skin Cancer Foundation 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *